Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.’
Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, mới đây có thêm một doanh nghiệp Việt Nam khác thông báo lên Hiệp hội về việc bị lừa 2 container hạt điều tại UAE. Như vậy, tính đến ngày 24/7, ít nhất 4 doanh nghiệp ngành tiêu, điều và cây gia vị Việt Nam nghi bị lừa đảo.
Trước đó, VINACAS cũng nhận được phản ánh của Công ty Tín Mai về việc nghi bị lừa đảo khi xuất khẩu điều nhân sang UAE.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) vừa vào cuộc sau khi nhận được thông tin có thêm doanh nghiệp điều Việt Nam xuất khẩu sang UAE nghi bị lừa 2 container hàng |
Theo đại diện VINACAS, nguyên nhân thường gặp do các doanh nghiệp bán hàng thông qua môi giới, đồng thời liên quan đến phương thức thanh toán. Vị này cho rằng thanh toán bằng phương thức thư tín dụng (L/C) là an toàn nhất.
L/C muốn phát hành phải do một tổ chức có uy tín, có khả năng đảm bảo thanh toán, bảo lãnh những khoản mua bán có giá trị nhằm tạo ra sự an tâm cho người mua và người bán.
Trong khi đó, phương thức thanh toán nhờ thu qua ngân hàng thì phía ngân hàng bên mua chỉ có thể trả bộ chứng từ cho người mua khi người mua nộp tiền vào để đi lấy hàng.
“Ở đây nghi vấn có sự cấu kết giữa ngân hàng, hoặc thậm chí có sự lách luật để hỗ trợ người mua khi họ không có tiền nhưng có tài sản thế chấp để lấy hóa đơn chứng từ và lấy hàng về bán, sau đó mới lấy tiền bán hàng nộp về cho ngân hàng.
Nếu xảy ra trường hợp này, bên bán sẽ không mất tiền, nhưng thời gian chờ đợi lấy tiền về khá lâu. Hiện chúng tôi mong sẽ rơi vào hình thức này, dù điều này không đúng với thông lệ quốc tế”, lãnh đạo VINACAS nói.
Hiện tại, sau khi nhận được văn bản của VINACAS, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã có Công hàm số 1465 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.
Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng cho biết đã nhận được công văn trình báo của một số doanh nghiệp Việt Nam với cùng nội dung, cùng tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE và cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều.
Ngay sau khi nhận được công văn trình báo của các doanh nghiệp, Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan.
Ngoài ra, Thương vụ tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.
- Chính phủ yêu cầu khắc phục ngay sự cố các nhà máy nhiệt điện than để đưa vào vận hành sớm nhất có thể
- 10 luật chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/7): Tăng lương cơ sở, mức lương hưu
- THÁI BÌNH: KIỂM TRA 02 KHO HÀNG CHỨA TRÊN 1,3 TẤN HÀNG HÓA CÓ DẤU HIỆU GIẢ MẠO NHÃN HIỆU CỦA NIKE VÀ ADIDAS
- Trải nghiệm Lễ hội mùa đông trên đỉnh Bà Nà
- KHÓ KHĂN “BỦA VÂY” DOANH NGHIỆP VIỆT