Chào mừng bạn đến website của Truyền hình TV - Chống hàng giả bảo vệ thương hiệu.

10 luật chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/7): Tăng lương cơ sở, mức lương hưu

10 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đáng chú ý là quy định về tăng lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Từ hôm nay (1/7), 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Căn cước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Tài nguyên nước 2023.

Tăng lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV, trong đó đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng kể từ ngày 1/7.

Cũng từ 1/7 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).


Hình minh họa.

Chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt

Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển khoản các lần trong một ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra

Thông tư 28/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/7.

Điểm mới đáng chú ý, Thông tư 28 đã sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông. Theo đó, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.

Nhiều quy định mới về thẻ căn cước

Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. (Ảnh: Dân trí)

Luật Căn cước chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào đó sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Luật Các tổ chức tín dụng quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị “bêu tên”

Cũng từ ngày 1/7, nghị định 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 sẽ chính thức có hiệu lực.

Trong đó, điều 24 nghị định này quy định về việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Cụ thể, danh sách tổ chức và cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Nội dung công bố công khai gồm: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi và địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm có quyết định xử lý vi phạm.

Thời hạn công khai vi phạm như trên là 30 ngày. Sau khi hết thời hạn, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

 

Nguồn: doisongphapluat.com

Bài viết cùng chủ đề:

Goi 0983.636.918
Chat Facebook
Liên hệ quảng cáo