Chào mừng bạn đến website của Truyền hình TV - Chống hàng giả bảo vệ thương hiệu.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC QUỐC TẾ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HÀNG GIẢ

Tổng cục QLTT đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam

Thời gian qua, Tổng cục QLTT đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan; trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.

Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam, bởi vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia; cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… đang là một vấn nạn tại thị trường nước nhà.

Để triển khai một cách hiệu quả các hoạt động của lực lượng, Tổng cục QLTT xác định, cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành, với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong nước, đồng thời, chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, nhất là đối với các thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục quản lý giám sát thị trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Thời gian qua, Tổng cục đã tiếp và làm việc với các Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc, Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới; Đoàn công tác gồm Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch, Tập đoàn LEGO và Công ty Luật Rouse – đại diện Sở hữu trí tuệ Tập đoàn LEGO tại Việt Nam; Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc…; hoặc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Doanh nghiệp Cooperative Verniging SNB-React U.A khu vực châu Á Thái Bình Dương (React); Công ty Procter & Gamble (P&G); Tập đoàn Thủy tinh chuyên dụng SCHOTT AG…

Chia sẻ với Lãnh đạo và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong buổi làm việc đầu tháng 6 vừa qua tại trụ sở Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Giám sát quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc mong muốn được giao lưu, hợp tác với Bộ Công Thương cũng như Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường giám sát, quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm, thể hiện ở việc nhập khẩu thực phẩm và nông sản phục vụ ăn uống, tạo điều kiện cho thực phẩm và nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc phát triển lâu dài và ổn định.

Ngày 26/6/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn thực phẩm và người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Quản lý thị trường.

Từ năm 2018 đến nay, kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngành dọc, liên quan đến các các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, trong có nhiều vụ việc liên quan tới các sản phẩm thương hiệu của SCHOTT AG, P&G hay các nhãn hiệu thành viên React như CASIO, LEGO, PANASONIC, PANDORA, SWAROVSKI, Johnson & Johnson…

Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục QLTT và P&G

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh hy vọng, việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam sẽ tạo góp phần bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời, công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng QLTT được tăng cường hơn nữa, có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hay thương hiệu của mình.

Sau khi ký kết các Biên bản hợp tác, lực lượng QLTT chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình điều tra, xử lý của QLTT khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra. “Lực lượng QLTT sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.

Nhằm triển khai, cụ thể hóa các Biên bản hợp tác, hai Bên sẽ cùng nhau xây dựng các chương trình hành động; các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào từng loại mặt hàng, từng lĩnh vực, trong từng thời gian cụ thể với mục tiêu kiểm tra, xử lý có hiệu quả hàng giả, hàng xâm phạm quyền của các doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả nói chung.

Tổng cục QLTT đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam tổ chức Hội thảo về phương thức phân biệt hàng – hàng giả dành cho cán bộ QLTT nhằm cung cấp thông tin hữu ích, thiết thực đối với công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng thực thi.

Nguồn: Tạp chí Quản lý thị trường

Goi 0983.636.918
Chat Facebook
Liên hệ quảng cáo